Đang yên ả trong tích tắc bỗng hóa thành thảm kịch. Đang hạnh phúc, ấm êm bỗng chốc thành ký ức kinh hoàng. Ngọn lửa hừng hực cháy. Nhiều cuộc đời đã đổi thay…
Đổi thay như cách người đàn ông gần 60 tuổi, dựa tấm lưng mình ra phía sau, ngửa mặt lên trời, lo nghĩ: “Rồi đây thằng Nhân có thay tính đổi nết. Nó có khác đi nhiều không. Nó sẽ im lặng, tính cách trầm lại hay buồn rầu lại sinh rượu chè, cờ bạc”.
“Rồi đây phải nói sao cho nó là vợ con nó đã mất. Nó biết nó sốc không chịu nổi đâu. Nhưng tui sẽ giải thích cho nó hiểu vì nó chưa đủ sức khỏe nên không nói được. Rồi nó cũng thông cảm cho ba mẹ nó thôi mà”, người đàn ông nhẩm tính như tự giải thích với chính mình.
Những câu hỏi, những suy tính mãi vẫn không có câu trả lời. Bởi con ông vẫn còn nằm trong phòng hồi sức tích cực sau hơn 10 ngày nhập viện.
Toà nhà bị nhuộm đen sau vụ cháy còn bà trong một lúc đã mất đi 3 người thân…
Bệnh viện Chợ Rẫy. 11h trưa. Trời nực và bức.
Khoa phỏng. Lầu 7. Anh bảo vệ kiểm tra tên người bệnh.
Lê Phan Trọng Nhân, 30 tuổi. Phòng chăm sóc đặc biệt – không có. Phòng số 1, số 2… rồi số 7 – không có. Phòng số 4 có người tên Nhân – người mặc áo blouse trắng nói.
Một thân thể cháy đen, băng hết cả người chỉ lộ những ngón tay, ngón chân, không cử động. Không phải!
“Người tên Nhân nằm giường bên cạnh”, một giọng nói vang lên. Người này đỡ hơn. Thân thể cũng cháy, nhưng đang lên da non, bong từng lớp. Mắt láo liên nhìn quanh khi nghe có người hỏi đến tên mình.
“Ở đây không có ai tên Lê Phan Trọng Nhân. Nạn nhân vụ cháy Carina giờ chỉ còn ba người ở khoa phỏng. Phòng số 1 và số 4”, giọng một nữ bác sĩ.
“Ở dãy bên kia, dành cho người bị nặng hơn. Lầu 8”, người mặc áo blouse trắng vừa nói nhanh, tay vừa xếp những vỉ thuốc.
Phòng hồi sức tích cực – phải đi thang máy và có người hướng dẫn. Chỉ một người thân vào thăm, phải có thẻ và áo bệnh viện cấp. Hàng người xếp hàng trước thang máy, cứ dài ra.
Lê Phan Trọng Nhân nhập viện trong tình trạng được bác sĩ chẩn đoán là “chết não”, hy vọng hồi phục cực kỳ nhỏ nhoi. Chính quyền thì nói người này “mê man”, “bị nặng”, nhưng gia đình không chịu là “chết” nên không biết hỗ trợ, động viên thế nào.
Lê Phan Trọng Nhân cũng là cái tên bị thêm vào bớt ra danh sách người tử nạn khiến con số 13 hay 14 cứ chênh chao.
Và điều thần kỳ đã đến. Sau ba ngày hôn mê sâu, anh tỉnh. Người đầu tiên anh nhìn thấy là cậu, không phải ba mẹ. Ba mẹ anh đang khóc lên khóc xuống, lụi hụi ở đám tang của vợ và con anh.
Anh nhấp nháy môi hỏi tình hình vợ con. Anh cố nhìn vào đôi mắt đang gắng gượng, tỏ ra không biết gì của người cậu. Không có câu trả lời.
Hơn 10 ngày, anh vẫn chưa được giải đáp.
Có người đến, bà đứng dậy đi vào trong, để ông tiếp. Bà chuẩn bị vào viện thăm con trai, chỉ từ 3h đến 3h30 nên phải tranh thủ. Bà cũng cố lảng đi để không phải kể về ngày hôm đó nữa.
Vậy mà sắp tới giờ phải đi, bà lại từ trong nhà đi ra, tay cầm điện thoại, mở clip cháu nội đang bập bẹ nói, vừa xem vừa mỉm cười.
“Xem nó này, xem nó nói đây này, trắng nõn trắng nà…”, bà nói vô thức, như quên mất hiện thực. Trong clip cậu bé chưa tròn 3 tuổi kháu khỉnh đang cười tươi rói, bi bô tập nói với mẹ.
“Hỏi nó thương nội không, nó nói: Con thương nội thật là nhiều. Con thương nội thật là nhiều”, bà phụng phịu giả lại giọng cậu bé.
Ông tiếp lời: “Tình thương nhân tình thương. Về đây là đi tắm cũng ông nội, đi xì xì cũng ông nội, gì cũng ông nội hết trơn”. Giọng nói ngập tràn niềm vui như chưa từng có sự đổi thay gì.
Bà run run: “Hỏi thử vầy sao mà chịu nổi. Sao mà chịu cho nổi….” Câu hỏi dài ra rồi tắt lịm, chỉ còn tiếng thở dài thườn thượt.
Bà cố kiềm lại, nhưng không ngăn được tiếng nấc nghẹn ngào, đứt quãng. Bằng giọng rưng rưng sắp chực trào ấy, bà vẫn tiếp tục kể mảng ký ức còn tươi nguyên màu mới về đứa cháu nội “cục cưng”.
Rồi giọng bà xịu xuống, xẹp lép: “Còn gì buồn hơn nữa đâu”. Nghe như một hơi thở dài. Mắt bà hướng ra ngoài cửa, nơi những vệt nắng đang đuổi bắt nhau, nơi thằng cháu nội cười tươi rói ùa chạy về hướng bà khi ba mẹ nó mới vừa đỗ xe. Mới đây thôi mà!
Nguồn: baoconggiao.net
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét